Làm thêm dịp Tết, sinh viên cần lưu ý những điều này

Tin tức HSSV | 31/01/2024 | Người đăng: Phòng Tuyển sinh - CTSV

Nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm thêm dịp Tết ngày càng tăng cao trong thời gian gần đây. Việc kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và hỗ trợ gia đình là tốt. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần hết sức tỉnh táo trước những thông tin mang tính “việc nhẹ lương cao” để tránh rơi vào bẫy “tiền mất, tật mang”.

Những ngày qua, câu chuyện một sinh viên ở TP.HCM tìm việc làm bị lừa bán sang Campuchia đang gây xôn xao trong cộng đồng sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Theo Báo Thanh Niên ghi nhận lại, câu chuyện sinh viên bị lừa bán sang Campuchia bắt đầu từ tìm việc trên các nền tảng mạng xã hội, sau đó ứng tuyển vị trí việc làm trong ngành Logistics. Sau khi nộp hồ sơ, sinh viên nhận được email thông báo trúng tuyển vị trí giám sát kho của một công ty thương mại điện tử và một người ở bộ phận nhân sự hẹn phỏng vấn qua mạng.

Khi thực hiện phỏng vấn, sinh viên này chỉ được hỏi qua về kinh nghiệm làm việc, thời gian ra trường và thông báo sẽ tham gia tập huấn trong vòng 1 tuần. Sau đó, một người đã kết bạn với sinh viên qua Zalo để hẹn ngày đưa đi tham quan hệ thống của công ty. Chuyến xe này là một hành trình khủng khiếp mà sinh viên phải đối mặt khi biết mình bị lừa bán sang Campuchia. Dù đã an toàn trở về, nạn nhân vẫn không khỏi bàng hoàng khi câu chuyện xin việc tưởng như đơn giản lại biến thành một vụ bắt cóc lừa bán sang nước ngoài.

Media/1_TH1070/FolderFunc/202207/Images/e6f5fa73812643781a37-20220715090921-e.jpg
Media/1_TH1070/FolderFunc/202401/Images/viec-lam-them1-20240131031254-e.jpg
Media/1_TH1070/FolderFunc/202401/Images/viec-lam-them-20240131031255-e.jpg

Sinh viên cần cảnh giác trước thông tin tuyển dụng trên mạng

Để tránh rơi vào trường hợp như trên, ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM (SAC), cho biết học sinh, sinh viên cần thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân; hạn chế tương tác với các kênh thông tin không chính thống để tránh các gợi ý tương tự trên mạng xã hội.

Không truy cập vào các đường dẫn lạ, nguy cơ chứa mã độc đánh cắp thông tin và không cung cấp mã OTP cho người khác biết hoặc điền vào các đường dẫn thanh toán giao dịch trực tuyến

"Không cung cấp giấy tờ tùy thân bản gốc cho người khác hoặc bên tuyển dụng. Người lao động tìm việc không phải đóng bất kỳ khoản phí nào nhằm phục vụ giao dịch tìm việc. Những trường hợp phải trả phí thù lao qua trung gian hoặc đóng cọc để nhận việc là có vấn đề trục lợi" – ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, sinh viên cần cập nhật thông tin cảnh báo thường xuyên, trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng tốt để cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo. Trường hợp đã ứng tuyển việc làm và nghi ngờ rơi vào bẫy lừa đảo, sinh viên cần bình tĩnh để vận dụng kiến thức, kỹ năng của mình để thoát hiểm.

Khi nghi ngờ gặp đối tượng lừa đảo, sinh viên nên chia sẻ thông tin vị trí đến bạn bè, thầy cô, người thân để đề phòng trường hợp các đối tượng xấu lợi dụng đưa qua biên giới.

Bên cạnh đó, các trường cao đẳng, đại học nên tuyên truyền, tư vấn sinh viên tìm việc làm tại các trung tâm uy tín như: Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Thành phố, Trung tâm Giới thiệu việc làm tại các trường học,...

Thông tin liên hệ cụ thể:

  • Phòng Tuyển sinh - Công tác sinh viên
  • Số 2 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 028.38242109
  • Email: tuyensinh@nguyentruongto.edu.vn
  • Website: www.nguyentruongto.edu.vn
  • FB: https://www.facebook.com/CDKTNguyenTruongTo

T/h